I Love Ngọc Lan
Tôi yêu Nàng ca sĩ
Yêu nhiều lắm Người ơi.
Yêu từ khi bé dại
Yêu đến lúc tàn hơi.
Ngọc Lan hỡi Ngọc Lan
Nàng ra đi mãi mãi
Cõi lòng ta nát tan
Mắt cay lệ tuôn rơi.
– Huỳnh Oanh Ngọc
Only miss the sun when it starts to snow
Only know you love her when you let her go
– Mike Rosenberg
Trước năm 1975, khá lâu, ở Sài Gòn có một bài hát với âm điệu thật hay, trong đó có những câu thế này:
Có phải em là gái Liêu Trai
Mà sao tiếng hát buồn ngân dài
Ôi giọng ca vỗ về nhân thế
Vũ trụ chợt lắng hơi, ngỡ ngàng vì tiếng ai.
Biết được em rồi, khó nỗi nguôi
Hồn ta tiếng hát cuộn mất rồi…
Âm điệu đó, với lời ca này, tưởng chìm trong quên lãng đã lâu, sao tự nhiên bỗng đến lại trong tôi khi nghe ca sĩ Ngọc Lan hát.
Gọi là “Liêu Trai” thì cũng đúng mà không đúng, vì ngoài những điểm mơ ảo và nên thơ của nó, Liêu Trai còn hàm nghĩa có ít nhiều tính chất ma quái; mà Ngọc Lan thì có thực, và giọng ca không hề lạnh lẽo nhưng rất ấm áp, ngọt mềm, vuốt ve, đầy nữ tính và nhẹ như sương… làm cho khi nghe tiếng hát của Ngọc Lan ta muốn nghe lại thêm lần nữa, rồi lần nữa…
Xin bạn khoan bảo “ai lại đi khen phò mã tốt áo!”. Không đâu, trong 700-800 bài hát của Ngọc Lan, tôi chỉ chọn lại được có 99 bài. Ngọc Lan cũng có hát sai một hai chữ trong một bài hay, nhưng chỉ có thế. Vả lại, do mỗi ca sĩ đều có điểm yếu và mạnh khác nhau, Ngọc Lan không hát “Tình Lỡ” hay như Thanh Hà, “Phút Cuối” như Y Phương, “Mùa Đông Của Em” như Lệ Quyên, “Đường Xưa Lối Cũ” như Như Quỳnh, “Hai Mùa Mưa” như Băng Tâm, “Kiếp Nào Có Yêu Nhau” như Ngọc Hạ, vv… Cho nên, không “phò mã tốt áo” nhưng nói theo cách khác, cô công chúa này có rất nhiều “áo đẹp”. Một cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam, nữ ca sĩ Thái Thanh, đã nhận định như thế này về Ngọc Lan:
Ngọc Lan quả là tiếng hát hiếm có, nếu không nói là duy nhất trong lịch sử tân nhạc Việt Nam. Bởi tiếng hát của Ngọc Lan có ba điểm mà không một người ca sĩ nào có được: Một, sự mềm mại tuyệt đối. Hai, làn hơi kéo dài đến mức không ai nhận ra Ngọc Lan lấy hơi từ chỗ nào. Ba, tiếng hát lúc nào cũng buồn, buồn cả trong bài hát lạc quan. Ba điểm đó, khiến tiếng hát Ngọc Lan đậm chất nữ tính nhất trong mọi giọng ca nữ, hiền lành nhất trong mọi tiếng hát, buồn bã nhất trong mọi thang âm và trầm uất nhất trong từng cách nhả chữ.
Nhưng… vậy thì sao có ai nói chỉ chọn được có mỗi 99 bài? Thực ra điều này không khó hiểu: Tuy hầu hết bài nào Ngọc Lan hát cũng hay, nhưng điều tôi đi tìm là cái “chất Ngọc Lan” trong từng bài hát. “Chất Ngọc Lan” là gì, tôi không có đủ từ ngữ để diễn tả, chỉ tóm tắt ý. Đó là một sự kết hợp hài hòa của nhiều yếu tố: khi hát lên, người nghe thấy được giọng hát truyền cảm, thiết tha, “nhập vai” (phù hợp với tình tiết và bối cảnh của bài hát), đặc thù (không ai hát giọng như thế được). Ngoài ra, giọng hát phải đầy nữ tính, cho người nghe cảm được đây là lời của một người em nhỏ, một cô gái mình thương yêu, mong ước, chờ đợi… Ngược lại, phải tuyệt đối không hề có chuyện “cưa sừng làm nghé”, hoặc khoe “cái tôi” lên cao hơn cả nghệ thuật… mà như chúng ta biết, Ngọc Lan là người nhút nhát và được đại đa số anh chị em nghệ sĩ khen ngợi là rất khiêm cung.
Còn có ba đặc điểm khác của “chất Ngọc Lan”: Thứ nhất, cách buông chữ (nhất là chỉ một chữ nào đó ở chỗ quan trọng) của Ngọc Lan rất tài tình, điêu luyện mà lại dễ thương (xưa nay chỉ có một mình nữ ca sĩ Karen Carpenters hát được như thế). Thứ hai, giọng hát của Ngọc Lan lúc nào cũng nghe “như gần như xa”, lại đầy vẻ tình tự. Thứ ba, và đây là ưu điểm tuyệt vời khác—đó là khi bản nhạc chuyển vút lên cao, giọng hát của Ngọc Lan bay lướt lên nhẹ nhàng, cao vút và tỏa rộng mênh mông. Đây chính là điểm cốt lõi nhất của giọng hát Ngọc Lan mà tôi luôn luôn muốn lắng tai để chờ đợi!
Cho nên, tuy với những bài hát khác, Ngọc Lan hát cũng rất hay; nhưng tôi không lựa chọn chỉ vì trong đó “thiếu chất Ngọc Lan”. Cũng có nhiều bài thuộc loại hay, rất hay là đàng khác, nhưng sau vài vòng tuyển chọn, tôi quyết định “chẳng thà có ít”, và ngập ngừng, đắn đo, rồi… xóa!
Thì ra, trước sau tôi nghe Ngọc Lan hát với cái đầu mang đầy “chất Ngọc Lan”!
Tôi muốn biết cảm giác của các bạn—Khi bạn ở nhà một mình, trong căn nhà vắng, bên tách cà phê; hay khi bạn lái xe một mình, trên con đường vắng… và bao quanh bạn là tiếng hát của Ngọc Lan đưa lên nhè nhẹ [“Nỗi niềm”]:
Từng hạt sương khuya hoen đôi mắt biếc
Sau khi chia tay, hôn anh một lần vội vã…
Nào ngờ đêm nay tim nghe ấm áp
Ngỡ đã xa nhau, nên khóc một lần từ giã…
Bạn đã nghĩ những gì? “Thuở ấy không gian chìm lắng trong mơ – Tà áo em xanh màu mắt ngây thơ”? “Tiếng hát học trò” (Nguyễn Hiền), “Để nhớ một thời ta đã yêu”? [Thái Thịnh] “Bao giờ ta gặp em lần nữa – Thuở ấy thanh bình chắc nở hoa”? [“Đôi mắt người Sơn Tây” (Quang Dũng)]…
Hay bạn muốn nghe Ngọc Lan một lần nữa [“Anh là tất cả”]:
Ngày anh bước vào đời
Có tiếng chim ca hân hoan trên khung trời xanh tuyệt vời
Với những ngôi sao trên cao lung linh về đêm
Như nói lên, em vừa yêu.Nụ hôn bước vào tình
Bỗng thấy trên thinh không âm vang đang vọng nơi lòng mình
Với những si mê khôn nguôi như hôm đầu tiên, trong đáy tim
Em yêu anh…Người là ước mơ thôi
Đã có yêu thương anh cho nên không cần những xa xôi
Người là ước mơ thôi
Thức giấc bên anh, trên môi vui, ta nhìn nhau không nói.Ghì anh sát vào lòng
Sẽ thấy quanh đây thênh thang yên vui bao tháng ngày dài
Sẽ đến bên anh ru anh trong cơn ngủ say
Người là ước mơ thôi…
“Đã có yêu thương anh cho, nên không cần những xa xôi…” Trong đời một người đàn ông, có gì để mơ ước nhiều hơn thế nữa?
Phải chăng trong thâm tâm của mỗi người đàn ông Việt Nam, cái hình ảnh mà trong những khi nắng sớm mưa chiều anh ta thường ôm ấp là một người hiền dịu nào đó thường hướng về mình, bày tỏ những lời thương yêu với mình [Chinh Phụ Ngâm]:
Lòng này gửi gió Đông có tiện
Nghìn vàng xin gửi đến non Yên
Non Yên dù chẳng tới miền
Nhớ chàng thăm thẳm đường lên bằng trời…
Những tình cảm thiết tha như thế này, chúng ta thấy được trong giọng hát của Ngọc Lan: Trìu mến, nhỏ nhẹ… Nhỏ nhẹ nên len vào được lòng người tự lúc nào, và ở đó rất lâu. Vì người ta không chỉ nghe một bài hát, mà như nghe được bao lời tình tự [“Người yêu dấu” lời Việt Chí Tài]:
Người yêu dấu,
Biết bao giờ được trông thấy anh?
Cùng em sánh vai, dìu em bước trên
Đường nắng ban mai, ngàn hoa…Nhìn đàn chim én tung cánh
Nhắn tin về phương trời xa…
Dù xa vắng anh, lòng em vẫn luôn
Thầm nhớ anh muôn đời
Thiết tha như thế, hỏi có tu mi nam tử nào mà không nhớ được? “Ôi người cùng ta qua phong ba”!
Dĩ nhiên, nếu tình yêu là “muôn màu” thì trong đó cũng có “trăm lần vui, vạn lần buồn”. Những bài hát về tình yêu của Ngọc Lan cũng thế, có bài ca ngợi tình yêu, có bài đau khổ vì tan vỡ. Nhưng cái “chất Ngọc Lan” lại cho thấy, nếu khi ca ngợi tình yêu có đầy sự ngọt ngào thì trong sầu buồn – qua giọng ca của Ngọc Lan – cũng chỉ là những trách cứ nhè nhẹ. Mà những đau khổ, khi nhỏ nhẹ mà nói lên, mới thực sự làm day dứt [“Tình lầm lỡ”]:
Từ đây thôi vĩnh viễn ra đi cố quên người xưa ấy
Có tiếc nuối cũng không còn nữa, khóc mà chi…Có những phút giây lầm lỡ
Mới biết chén đắng ân tình vỡ
Xa nhau nhé anh, quên nhau nhé anh…Tình yêu như những áng mây bay, một ngày bay xa mãi
Nếu đã biết thế em từ chốiNhững nụ hôn…
Hãy nhủ lòng kiếp sau
Ðừng để cho nhau mãi khổ đau…
Hầu như các tôn giáo đều có nói, con người đến từ đâu không rõ, nhưng họ hiện diện trên cõi đời này là để làm một việc gì đó: Một sứ mệnh, một nguyện ước, một điều báo đáp, vv… Ngọc Lan đã đến cõi trần này, và ra đi sớm, để lại bao nhiêu tiếc thương… và bên cạnh đó là một kho tàng đồ sộ về những bài hát mà, cắt nghĩa theo nhận xét của ca sĩ Thái Thanh bằng một cách khác, “Trải tháng năm vẫn còn mới mẻ, sau bao thuở ai dễ vượt qua”. Hầu hết những bài hát của Ngọc Lan, nghe buồn nhưng sao thấy ấm lòng.
Giọng hát của Ngọc Lan vẫn hằng theo tôi trong những khi tôi ở một mình, dù là lái xe hay làm việc trong nhà. Tuy biết đến giọng hát Ngọc Lan hơi chậm, nhưng tôi vẫn nghĩ đây là một chút duyên. Vì có duyên nên tôi mới khám phá ra được những bài ca hay của Ngọc Lan, và có được nhiều thì giờ ở một mình để thưởng thức nhạc Ngọc Lan. Tôi không nói “giá như”, vì mỗi con người đến với thế gian này đều có nguyên nhân, căn cơ, duyên phận. Ngọc Lan đã đến, và đã đi, sau khi hoàn thành tốt đẹp – quá tốt đẹp – những sứ mệnh, hay duyên cơ của mình. Tôi cám ơn Ngọc Lan, vì tiếng hát của Ngọc Lan mang đến cho tôi những giờ phút hạnh phúc. “May mà có Lan, đời còn dễ thương!”
Những khi lái xe trên đường, tôi vẫn nghe đi nghe lại dĩa nhạc của Ngọc Lan. Nhiều khi không biết mình đang nghe tiếng của Ngọc Lan hát, hay tiếng từ bên trong tự nói cho mình :
Ta thấy em đang ngồi đó … khi rừng chiều đổ mưa
Ta thấy em đang ngồi hát … khi rừng về nhiều mây
Rừng thu thay lá, mây bay buồn rầu
Rừng đông buốt giá, mưa bay rạt rào…
Ta vẫn mong, ta chờ mãi … trên từng ngày quạnh hiu
Ta vẫn mong, em về đấy … cho đời bày cuộc vui
Rừng xưa đã khép, em chẳng quay về
Rừng xưa đã khép, em đã ra đi…
[Trịnh Công Sơn: “Rừng Xưa Ðã Khép”]
Ngọc Lan – Lê Thanh Lan – sinh ngày 28 tháng 12 năm 1956. Nếu còn với chúng ta, cuối tháng này Ngọc Lan sẽ đón Sinh Nhật lần 65 của mình.
Những cảm nghĩ về ca sĩ Ngọc Lan, tôi đã có viết ra trong năm 2017 [phần trên], hôm nay chỉ viết thêm một ít cảm nghĩ khác.
Người ta bảo, dù bạn là ca sĩ hay nhạc sĩ, khi bản nhạc đã đi ra công chúng rồi, nó không còn là của bạn, mà thuộc về thính giả. Ngọc Lan mất đi đã lâu, nhưng bây giờ vẫn còn rất nhiều người ái mộ, vẫn hằng nhắc tới Ngọc Lan, và thực tế là chưa có ca sĩ nào có thể ngang tầm với Ngọc Lan được. Tiếng hát Ngọc Lan, một “giọng ca nữ tính nhất trong tất cả các giọng nữ”, có độ rung và làn hơi tuyệt vời nhất trong làng âm nhạc Việt cho đến ngày nay, và Ngọc Lan không hề phô trương kỹ thuật trong lúc hát.
Có lẽ phần thưởng xứng đáng nhất của Ngọc Lan là lòng ái mộ dài lâu của thính giả. Khi Ngọc Lan qua đời, có ít nhất là sáu nhân vật trong làng nhạc Việt Nam sáng tác những lời tiếc nuối để dành cho Ngọc Lan: Nhật Ngân, Trần Trịnh, Anh Bằng, Trần Thiện Thanh, Ngọc Trọng, Hùng Quân. Trước Ngọc Lan, và có lẽ trong rất lâu sau Ngọc Lan, không phải ca sĩ nào cũng có được nhưng tiếc thương đầy trân trọng như thế.
Tôi không thích những người bày tỏ sự tiếc thương Ngọc Lan với những câu như “tài hoa (mà) mệnh bạc”. Danh nhân Osho có nói: “Không phải là cuộc đời dài hay ngắn, mà là bạn có sống thực sự trước khi chết hay không”. Ngọc Lan đã, và còn đang tiếp tục đem niềm thương yêu đến cho vạn triệu người Việt khắp chốn. Cho nên sẽ không thích hợp chút nào khi chúng ta than rằng sao bạc mệnh. “Danh đã dậy nghìn cây nội cỏ”, đó mới là vấn đề.
Bất cứ người nào xuất hiện trong đời chúng ta là một sự xếp đặt của định mệnh, có ai đó đã từng nhận định thế. Vậy quả thật là một may mắn lớn, nói là một vinh hạnh thì đúng hơn, khi tôi có được giọng hát Ngọc Lan điểm tô cho một quãng dài của đời mình thêm thi vị; trong những lúc buồn vui đã đành, nhất là những lúc lái xe một mình băng qua những con đường dài thăm thẳm… Vẫn hằng cảm tạ hạnh vận với điều này. Vẫn hằng cám ơn có được Ngọc Lan luôn đồng hành qua những giọng hát thiết tha, đầy sâu lắng:
Ghì anh sát vào lòng
Sẽ thấy quanh đây thênh thang yên vui bao tháng ngày dài
Sẽ đến bên anh ru anh trong cơn ngủ say
Anh yêu ơi …Niềm mơ ước tuyệt vời
Sẽ sống bên nhau trên mây chơi vơi tay với bầu trời
Sẽ thấy bên kia xanh lơ xa xăm đại dương
Không có sương mù khơi …
Ôi Ngọc Lan, người con gái mang tên một loại hoa trong trắng.
Theo nguồn:
Tôi yêu Nàng ca sĩ
Yêu nhiều lắm Người ơi.
Yêu từ khi bé dại
Yêu đến lúc tàn hơi.
Ngọc Lan hỡi Ngọc Lan
Nàng ra đi mãi mãi
Cõi lòng ta nát tan
Mắt cay lệ tuôn rơi.
– Huỳnh Oanh Ngọc
Dòng nhạc Trịnh Công Sơn không phải là sở trường của Ngọc Lan nên cô hát rất ít so với số lượng bài cô để lại cho đời. Khoảng 800 ca khúc cô thu âm, 32 tác phẩm nhạc Trịnh (tôi được nghe). Tuy nhiên đó cũng là thế lợi vì cô không bị gò bó bởi kỹ thuật hoặc ảnh hưởng từ những danh ca đã thành công lẩy lừng với nhạc Trịnh, nhất là Khánh Ly. Ngọc Lan không chỉ hát khác hẳn với Khánh Ly mà còn thổi vào một luồng không khí mát lạ, ngọt ngào, trong sáng, và đầy cảm xúc riêng của mình vào ca từ nhạc Trịnh.
Vì 32 bài được tập hợp từ nhiều album khác nhau nên lối hòa âm phối khí mỗi bài mỗi nét. Tuy vậy nhưng lối trình bày của Ngọc Lan vẫn thống nhất nên người yêu nhạc Trịnh và tiếng hát Ngọc Lan được thưởng thức suôn sẻ. Riêng cá nhân người viết này thì tập trung vào giọng hát và ca từ nhiều hơn là phần hòa âm.
Trong “Đêm thấy ta là thác đổ”, Ngọc Lan ca nhẹ như hơi thở và dịu ngọt như dòng suối. Giọng cô gần gũi tuy nhịp trống có phần nào chen vào sự thân mật giữa cô và người nghe. Nếu có thể thay đổi nhịp điệu điện tử bằng tiếng trống nhè nhẹ để nhường không gian cho tiếng hát cùng lời tâm sự với tiếng đàn acoustic guitar thì tuyệt vời hơn.
Với cách hát mọc mạc đầy cảm xúc, Ngọc Lan diễn tả rất đạt những bài mang tính cách triết lý của Trịnh. Trong “Một ngày như mọi ngày”, Ngọc Lan trút hết tâm hồn vào lời ca như đang tự sự lòng mình:
Một ngày như mọi ngày
Đời nhẹ như mây khói
Một ngày như mọi ngày
Mang nặng hồn tả tơi
Hoặc những lời thơ lý thuyết của loài người trong “Cỏ xót xa đưa” như: “Người đã đến và người sẽ về bên kia núi”. Và cũng giống người nhạc sĩ tài hoa, Ngọc Lan không chỉ coi nhẹ mà còn ca tụng cái chết trong giai điệu tươi vui của “Bên Đời Hiu Quạnh”:
Đường nào dìu tôi đi đến cơn say
Một lần nằm mơ tôi thấy tôi qua đời
Dù thật lệ rơi lòng không buồn mấy
Giật mình tỉnh ra ồ nắng lên rồi
Với những tác phẩm khá tiêu biểu đã được nhiều ca sĩ thu âm như “Ru em từng ngón xuân nồng”, “Ru ta ngậm ngùi”, và “Hạ trắng”, Ngọc Lan lôi kéo chúng về với thế giới riêng biệt của mình. Sự tuyệt diệu của cô trình bài “Ru em từng ngón xuân nồng” là không để sơ hở kỹ thuật. Nghe thoáng qua thì thấy cô ca rất dễ dàng nhưng lắng nghe kỹ mới để ý lối bắt câu ngắn gọn không quá chau chuốc và sự kiểm soát hơi thở của mình. Cách phân câu điêu luyện của Ngọc Lan có thể nhận ra được trong bốn câu đầu của “Ru ta ngậm ngùi”. Cô chuyên chở từ giọng thấp trầm (contralto) đến giọng cao (mezzo-soprano) rất nhã nhặn, không thều thào hay gào thét.
Với “Hạ Trắng”, Ngọc Lan cất lên hai chữ “Gọi nắng” như một phép lạ xua mây bay đi để “Nắng lên thắp đầy”. Tiếng saxophone thanh thao của Thanh Lâm cũng reo hò theo để làm nổi bật thêm giọng ca đầy cảm xúc. Trái lại thì tiếng kèn soprano chua chát, cùng với cách phối khí rùng rợn, đã lấn đi tiếng hát của cô trong “Ru Tình”. Không chỉ vậy mà phần điệp khúc còn chen vào phần hard-rock guitar choáng cả màng nhĩ. “Ru tình” như thế chắc tình cũng phải bịt tai bỏ chạy. Vả lại bài này thu âm vào lúc cơn bệnh đã khiến giọng Ngọc Lan mất đi chất đậm đà. Sai lầm hơn nữa là bài “Lời buồn thánh”. Lời hát thì buồn thảm, “Chiều chúa nhật buồn / Nằm trong căn gác đìu hiu”, mà nhạc thì dồn dập điệu new wave như đang ở một vũ trường. Có lẽ người nhạc sĩ hòa âm nghe ca từ buồn quá nên làm nhạc nhanh cho đỡ sầu thảm. Thôi thì cứ xem như là một thí nghiệm lạc đề.
Có một số bài không phải ở người hát mà là hòa âm làm mất đi những vẽ đẹp. Nếu có thể tách lời hát ra và làm hòa âm lại thì chắc rất hay. Dù sao đi nữa đây cũng là những sản phẩm rất quý còn duy trì trong làng âm nhạc Việt Nam.
Ngọc Lan đã đem tiếng hát cho đời rồi cũng đã lặng lẽ ra đi. Cô hát mấy câu cuối của ca khúc “Lặng lẽ nơi này” như gửi gấm tâm trạng của mình:
Trời cao đất rộng
Một mình tôi đi
Một mình tôi điĐời như vô tận
Một mình tôi về
Một mình tôi về… với tôi.
Và tiếng hát thương yêu ấy đã về vùng trời bình yên.
– Donny Trương
Những năm đầu của thập niên 90, tôi mới định cư đất Mỹ. Tôi không nghe nhạc Việt nhiều và cũng không biết gì về làng văn nghệ người Việt tại hải ngoại. Tôi thích nghe nhạc Mỹ và nhất là rap để học Anh ngữ. Nhưng rồi những tiếng hát trẻ đã đưa tôi trở về với dòng nhạc Việt. Trong số những ca sĩ đó, tôi đặc biệt mê tiếng hát Don Hồ và Ngọc Lan.
Tôi bắt đầu để ý đến Don Hồ qua “Hãy sống cho tuổi trẻ”, nhạc ngoại quốc lời Việt anh trình diễn trên Asia 1: Đêm Sài Gòn. Giọng hát của anh nhẹ như khói, tự nhiên như thở, và có một chút khàng rất quyến rũ. Tôi xem đi xem lại nhạc phẩm đó nhiều lần và bắt đầu đi tìm băng nhạc của anh.
Còn Ngọc Lan, tôi mê tiếng hát của chị qua bài “Rừng chưa thay lá” (thơ Hoàng Ngọc Ẩn, nhạc Huỳnh Anh). Giọng hát êm dịu của chị lôi cuốn tôi từng chữ một, “Anh đi rừng chưa thay lá / Em về rừng lá thay chưa”? Tôi chưa từng nghe được giọng hát nào mong manh mà lại có sức thu hút mạnh mẽ đến thế. Từ đó tôi đã đi theo giọng hát đó cho đến ngày hôm nay.
Lúc 12 hoặc 13 tuổi, tôi chưa làm ra tiền nên không dám dùng tiền của mẹ mua băng nhạc. Mỗi lần được bước vào tiệm nhạc Việt, tôi như đứa trẻ lạc vào tiệm kẹo. Thấy gì cũng muốn mua. Nhưng mỗi lần vào tôi chỉ mua một băng thôi. Vì say mê hai giọng hát Ngọc Lan và Don Hồ nên tôi chọn ngay Ngọc Lan & Don Hồ 2: Con đường tình ta đi. Tôi không hiểu chiến lược của trung tâm Giáng Ngọc vì đây là album của hai ca sĩ nhưng Don Hồ có 6 bài, 2 bài song ca, còn Ngọc Lan chỉ có 2 bài.
Thời bấy giờ Don Hồ hát đa số nhạc ngoại lời Việt, nhưng trong Con đường tình ta đi, anh hát những nhạc phẩm của tác giả Việt. Lúc đó tôi cũng không để ý nhiều đến những tác giả nhạc Việt nên không biết bài “Biết đâu nguồn cội” là của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Từ phần hoà âm tươi vui đến cách hai giọng hát hoà quyện với nhau, bài song ca này vẫn giữ một vị trí rất riêng trong tim tôi. Bài song ca thứ nhì, “Con đường tình ta đi” (nhạc sĩ Phạm Duy) không chỉ có hai giọng hát mà còn có giọng saxophone của Tham Lâm. Cả ba hợp tác rất chặt chẽ. Riêng bài “Thà như giọt mưa” (nhạc Phạm Duy, thơ Nguyễn Tất Nhiên), Ngọc Lan hát đầy cảm xúc và lối hoà âm cũng đầy gay cấn. Qua các nhạc phẩm Don Hồ thể hiện trong album này, từ “Ngủ đi em” (Lê Minh Bằng), “Em đến thăm anh đêm 30“ (nhạc Vũ Thành An, thơ Nguyễn Đình Toàn), đến “Gọi tên bốn mùa” (nhạc sĩ Trịnh Công Sơn), tôi bắt đầu thích anh hát nhạc Việt hơn nhạc ngoại lời Việt.
Ngọc Lan & Don Hồ 3: Tình phụ chứng minh được đường lối của anh chuyển sang hát nhạc Việt như “Kiếp đam mê” (Duy Quang), “Khúc thụy du” (nhạc sĩ Anh Bằng), và “Dấu tình sầu” (nhạc sĩ Ngô Thụy Miên). Ngọc Lan đã giết bao nhiêu con tim qua “Vì tôi là linh mục” (nhạc Nguyễn Đức Quang, thơ Nguyễn Tất Nhiên) và “Giết người trong mộng” (nhạc sĩ Phạm Duy). Cả hai trình bài những bài đơn ca rất đỉnh. Phải chi có thêm một hoặc hai bài song ca thì tuyệt vời.
Ngọc Lan & Don Hồ 4: Xin còn gọi tên nhau trở lại với những nhạc phẩm ngoại quốc lời Việt như “Vết thù trên lưng ngựa hoang” (lời Việt Pham Duy), “Trưng vương khung cửa mùa thu” (lời Việt Nam Lộc) và “Hận tình trong mưa (lời Việt Pham Duy). Tuy nhiên cũng có những bài của tác giả Việt như “Xin còn gọi tên nhau” (Trường Sa) và “Tôi đi giữa hoàng hôn” (Văn Phụng). Album này cũng đáng thưởng thức tuy không trọn vẹn như album 2 và 3.
Để sưu tầm cho trọn bộ, mãi sau này tôi mới tìm được album Ngọc Lan & Don Hồ 1: Comme Toi gồm những ca khúc Pháp và Anh được hát nửa lời Anh lời Việt hoặc nửa lời Pháp lời Việt. Không biết Don Hồ ca tiếng Pháp ra sao, nhưng anh ca tiếng Anh như bài “When You Go to San Francisco”, “Papa”, “Seal with a Kiss”, có một chút accent. Tuy nhiên nghe là lạ và dễ thương. Tôi thích hai bài song ca “Comme Toi” và “Tình yêu đó” trong album này.
Đó lại 4 album Ngọc Lan & Don Hồ do trung tâm Giáng Ngọc phát hành. Năm 1995, Ngọc Lan Musique phát hành Những lời mê hoặc của đôi song ca này. Ngoài nhạc phẩm “Về đây em” (nhạc sĩ Trịnh Nam Sơn), cả album là nhạc ngoại lời Việt. Có một lần được chat riêng với Don Hồ qua trang web của tôi, anh đã kể lại cơn bệnh hiểm nghèo đã cho cặp mắt cô không còn thấy được nữa. Cô mời Don Hồ hát và đã rất tận tình với người bạn đồng nghiệp của mình. “Khi tình xa” (lời Việt Khúc Lan) và “Những lời mê hoặc” (Phạm Duy), Don Hồ ca còn Ngọc Lan chỉ đọc nhưng họ lại ăn khớp với nhau như lúc ban đầu.
Ngọc Lan & Don Hồ đã để lại cho làng âm nhạc Việt Nam tại hải ngoại những kỷ niệm khó quên. Cám ơn hai người ca sĩ tài tình và dễ thương này. Tuy Ngọc Lan rời khỏi cõi tạm này đã lâu, tiếng hát của cô vẫn tồn tại mãi. Xin chúc Don Hồ luôn khoẻ để tiếp tục con đường nghệ thuật của anh.
– Donny Trương
Mới đó mà 19 năm đã trôi qua từ ngày iLoveNgocLan.com ra đời. Một trang nhà được tồn tại lâu dài đến thế không phải là một chuyện nhỏ. Cám ơn những trái tim yêu mến Ngọc Lan đã góp sức để iLoveNgocLan.com vẫn có đến ngày hôm nay.
Qua 19 năm, những dòng tâm sự, những lời chuyện trò, những bài văn, và những bài thơ cũng đã được đăng lên đây. Tuy giờ đây iLoveNgocLan.com không còn nhộn nhịp như thuở ban đầu, hy vọng những người yêu mến Ngọc Lan vẫn đến đây viếng thăm và đọc lại những dòng kỷ niệm để nhớ đến cô.
Trong ban quản trị giờ đây chỉ còn có tôi và anh TNS. Chúng tôi sẽ cố gắng chăm sóc và duy trì trang nhà yêu thương này. Mong rằng iLoveNgocLan.com sẽ tiếp tục tồn tại trên mạng thêm mấy mươi năm nữa.